Bình dị, an yên, đủ đầy, đó là những tính từ chung nhất dùng để miêu tả cho phong cách Farmhouse. Cùng Len’s Decor tìm hiểu về phong cách nội thất Farmhouse này nhé.
Nguồn gốc:
Farmhouse, đúng với tên gọi, được bắt nguồn từ những ngôi nhà trên các nông trại châu Âu thế kỷ 16, 17. Thời điểm này, Farmhouse chưa được xem như một phong cách kiến trúc nội thất độc lập. Đó chỉ đơn thuần là những ngôi nhà đơn giản được dựng lên bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương như gỗ, đá, gạch… Kết cấu giản đơn với mái dốc và cửa sổ nhỏ. Không gian bên trong cũng chỉ được lấp đầy bằng đồ đạc bằng gỗ, mây tre đan, vải vóc, kim loại… phục vụ cho nhu cầu sống.
Đến thế kỷ 18, phong cách Farmhouse len lỏi đến khu vực thành thị như một cách để người ta tận hưởng cuộc sống chân chất nơi thôn quê. Các món đồ trang trí mang nhiều yếu tố lãng mạn hơn với đồ gốm sứ hay họa tiết hoa lá, kẻ ô.
Thế kỷ 20, phong cách Farmhouse du nhập vào miền quê nước Mỹ, phóng khoáng và có nhiều yếu tố hiện đại để phù hợp với cuộc sống hơn. Cho đến tận ngày nay, phong cách nội thất Farmhouse là một trong những phong cách rất được ưa chuộng nhờ cảm giác bình yên của một tổ ấm.
Hai trường phái lớn của phong cách Farmhouse:
Classic Farmhouse (phong cách Farmhouse cổ điển):
Những ngôi nhà Farmhouse cổ điển, truyền thống sẽ mộc mạc hơn với các đặc trưng sau:
-
Kiến trúc:
Kiến trúc của nhà ở phong cách Farmhouse rất cơ bản: tường đơn giản, mái dốc với tường đầu hồi và những ô cửa sổ gỗ. Nhà có thể có hiên nhà với mái hiên và lan can gỗ. Bên trong, trần nhà có dầm gỗ lộ ra ngoài, tạo cảm giác vững chắc.
-
Vật liệu:
Điểm nổi bật của phong cách cổ điển này là chất mộc mạc, do đó các vật liệu tự nhiên như gỗ thô, đá, gạch sẽ được tận dụng. Những bức tường gạch thô, không sơn màu là một điểm nhấn cho ngôi nhà. Gỗ có thể được dùng để làm tường (những tấm ván gỗ ghép lại với nhau), khung cửa, bàn ghế, tủ kệ… Gỗ được sơn màu hoặc giữ nguyên những đường vân mộc mạc. Kim loại màu sắc hoài cổ như đồng, thiếc cũng là chất liệu được sử dụng như chiếc đèn treo tường, khung tranh ảnh…
Vải dệt tự nhiên như lanh, len, cotton… với màu sắc, họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên cũng được sử dụng rất nhiều.
-
Màu sắc:
Những ngôi nhà theo phong cách này thường áp dụng các bảng màu trung tính như trắng, be, kem, nâu… Đây đều là những sắc màu vượt thời gian. Đôi khi các tông màu trầm như xanh navy, đỏ burgundy cũng có thể được sử dụng để tạo điểm nhấn cho không gian.
-
Yếu tố trang trí:
Đối với nhà ở Farmhouse cổ điển, yếu tố đủ đầy, ấm cúng được đề cao hơn. Các tủ kệ sẽ có xu hướng mở (không dùng cửa đóng). Gia chủ có thể để những món đồ trang trí như tranh ảnh, chai lọ lên kệ để làm đẹp cho không gian.
Modern Farmhouse (phong cách Farmhouse hiện đại):
Cuộc sống ngày càng phát triển, phong cách nội thất Farmhouse cũng có nhiều đổi thay. Ở đó, yếu tố hoài cổ, mộc mạc của Classic Farmhouse song hành với những những yếu tố hiện đại, hợp thời. Đồng thời, Modern Farmhouse cũng tập trung vào sự tối giản và tinh tế hơn.
-
Kiến trúc:
Những ngôi nhà Farmhouse ngày nay vẫn có cấu trúc giản đơn, mái dốc, tường đầu hồi hay hiên nhà. Điểm khác biệt ở đây chính là có nhiều không gian mở hơn, trần cao và thoáng hơn cũng như cửa sổ được mở rộng hơn.
-
Vật liệu:
Gạch, gỗ, đá vẫn là những vật liệu chủ đạo trong nhà ở phong cách Modern Farmhouse. Tuy nhiên, nhà ở Farmhouse đã cởi mở hơn trong việc sử dụng vật liệu hiện đại như thủy tinh, thép. Đá hoa cương đẹp mắt cũng được sử dụng cho mặt bếp, lò sưởi, ốp tường… Bề mặt sàn nhà có thể sử dụng gạch đá hoặc sàn gỗ được xử lý cẩn thận.
-
Màu sắc:
Về cơ bản, màu sắc đối với nhà ở hiện nay không có nhiều khác biệt với màu sắc trong phong cách Classic Farmhouse. Trắng, be, kem, nâu vẫn là những sắc màu trường tồn với thời gian. Ngoài ra, gia chủ cũng có thể phá cách với các màu tươi sáng hay các màu trầm, tạo độ tương phản cao.
-
Yếu tố trang trí:
Không có một món đồ trang trí nào được đóng khung cho phong cách Farmhouse. Họa tiết hoa lá, kẻ ô, đồ gốm sứ, giỏ mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ hay những điểm nhấn bằng đồng, tựu chung là có kiểu dáng vintage, hoài cổ, mang cảm giác ấm áp, mộc mạc đều có thể được kết hợp trong nhà ở kiểu này.
Các yếu tố làm nên phong cách Farmhouse:
Dù là truyền thống hay hiện đại, phong cách Farmhouse vẫn luôn xoay quanh những yếu tố cốt lõi sau đây:
- Sự mộc mạc và hoài cổ của nội thất: Đồ nội thất thường lớn và thoải mái, chất liệu gỗ không chạm trổ cầu kỳ, đẹp những không hề phô trương.
- Bảng màu thân thiện với thị giác: Các gam màu trung tính được ưu tiên sử dụng, biến ngôi nhà thành một nơi thư giãn, bình yên thực sự.
- Sự kết nối với thiên nhiên: Rất nhiều chi tiết từ kiến trúc đến nội thất mang thiên nhiên vào trong ngôi nhà của bạn như cửa sổ mở rộng đón nắng, đón gió, hay bình hoa, cây cảnh được bài trí trong nhà. Đồ dùng có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng được sử dụng rộng rãi.
- Sự ấm cúng bao trùm không gian: Thảm mịn, sofa êm ái, ánh đèn vàng là những yếu tố không thể bỏ qua trong nghệ thuật bài trí phong cách Farmhouse. Bên cạnh đó, lò sưởi cũng là một thành phần làm nên đặc trưng của phong cách này. Tại Việt Nam với khí hậu nóng ẩm (trừ các khu vực cao nguyên mát mẻ quanh năm) thì lò sưởi đóng vai trò làm đẹp cho không gian nhiều hơn.
Ứng dụng phong cách Farmhouse tại Việt Nam:
Phong cách Farmhouse ấm cúng làm nhiều người nghĩ rằng phong cách này sẽ phù hợp với những nơi khí hậu ôn hòa, có mùa đông lạnh hơn. Tuy nhiên, Việt Nam với kiểu khí hậu nhiệt đới vẫn có thể áp dụng phong cách này trong kiến trúc, nội thất.
Xem thêm: Dự án phong cách Farmhouse của Len’s Decor
Tìm hiểu thêm: Top 9 các phong cách kiến trúc nhà ở phổ biến tại Việt Nam
Nội thất gỗ tự nhiên hay công nghiệp? Bí quyết lựa chọn nội thất gỗ thông thái
Phong cách này đặc biệt phổ biến tại các vùng cao nguyên mát mẻ như Lâm Đồng, Đà Lạt. Những ngôi nhà Farmhouse vô cùng hài hòa với những cánh rừng thông reo, như một miền quê châu Âu thu nhỏ.
Ngoài ra, khu vực đô thị vẫn có thể bài trí theo phong cách Farmhouse nếu như gia chủ yêu thích. Các vật liệu sẵn có, phổ biến tại nước ta như tre nứa, mây sẽ góp phần làm không gian thoáng mát, nhẹ nhàng hơn đó.
Trên đây là một số thông tin về phong cách Farmhouse trong kiến trúc và nội thất. Đây cũng là một trong những phong cách thế mạnh của Len’s Decor với hàng loạt những công trình từ biệt thự, căn hộ, nhà phố. Nếu bạn cũng ưa chuộng sự nhẹ nhàng, bình dị và ấm cúng của phong cách này, hãy liên hệ với Len’s Decor để nhận tư vấn nhé.