Mái nhà không chỉ là một bộ phận che mưa che nắng mà đi sâu vào mái nhà, nó còn giữ nhiều vai trò quan trọng. Mái nhà là điểm nhấn thẩm mỹ, có tác dụng trong lưu thông không khí hay ảnh hướng đến tổng ngân sách xây dựng. Hai trong những loại mái phổ biến hiện nay ở Việt Nam là nhà mái thái và nhà mái bằng. Đâu sẽ là lựa chọn tốt hơn? Cùng Len khám phá nhé!
ĐỊNH NGHĨA NHANH NHÀ MÁI THÁI VÀ NHÀ MÁI BẰNG
1. Nhà mái thái là gì?
Nhà mái thái về ngoại hình là dạng kiểu nhà có hệ thống mái dốc chữ A. Mái thái thường được lợp ngói, tuy nhiên vẫn có thể sử dụng một số vật liệu khác. Các lớp ngói sẽ được chồng lên nhau tạo độ dốc nhất định. Kiến trúc mái thái được tính toán về độ nghiêng, độ dốc sao cho mang lại nét thanh thoát, sang trọng như một điểm nhấn cho ngôi nhà.
2. Nhà mái bằng là gì?
Mái bằng (hay còn gọi là mái phẳng) có thể được xem là loại mái cơ bản nhất, có hình dạng phẳng ngang, khi nhìn chính diện sẽ không có mái chóp nhọn ở phía trên. Mái bằng được đổ sàn bê tông cốt thép. Đây là kiểu mái nhà đơn giản, hiện đại, thường được tận dụng là phần mái làm sân thượng hoặc không gian chức năng bổ sung.
SO SÁNH CHI TIẾT NHÀ MÁI THÁI VÀ NHÀ MÁI BẰNG:
VỀ CẤU TẠO
1. Cấu tạo nhà mái thái
Về cơ bản nhà mái thái sẽ bao gồm các phần:
- Khung mái có tác dụng chống đỡ toàn bộ hệ thống mái và tạo độ dốc, thường được làm từ thép, gỗ hoặc bê tông cốt thép
- Lớp lót: nền lót bằng bê tông hoặc ván, có thể thêm lớp cách nhiệt hoặc chống thấm
- Lớp lợp: bằng ngói đất nung, tráng men hoặc bê tông, xếp chồng, độ dốc 30-40 độ.
- Hệ thoát nước: Máng xối hoặc rãnh thoát nước, đảm bảo không thấm dột.
- Phần trang trí: Diềm mái, ô thông gió để tăng thẩm mỹ và độ thông thoáng.
Những lưu ý quan trọng trong cấu tạo mái thái là độ dốc mái, chiều dài và chiều rộng mái, cũng như và vật liệu lợp mái. Chúng ảnh hưởng đến độ thoát nước, độ chịu lực và tuổi thọ công trình
2. Cấu tạo nhà mái bằng
Cấu tạo nhà mái bằng bao gồm các phần:
- Lớp kết cấu chịu lực, thường làm bằng bê tông cốt thép nhằm đảm bảo tính chắc chắn và độ bền
- Lớp tạo dốc: tạo độ dốc rất nhẹ để thoát nước (chỉ khoảng 5-8%)
- Lớp chống thấm bằng các vật liệu như màng bitum, màng polyme hoặc sơn chống thấm chuyên dụng
- Lớp cách nhiệt chống nóng, giảm hấp thu nhiệt, được đặt trên lớp kết cấu chịu lực hoặc dưới lớp chống thấm
- Lớp bảo vệ: là lớp trên cùng bảo vệ các lớp bên dưới, làm bằng gạch lát, đá, hoặc vữa xi măng phủ sơn
- Hệ thống thoát nước được lắp đặt để dẫn nước xuống, tránh đọng nước do mưa.
VỀ ƯU NHƯỢC ĐIỂM
1. Ưu nhược điểm nhà mái thái
Ưu điểm: tính thẩm mỹ cao, mang vẻ đẹp phù hợp với nhiều phong cách thiết kế. Nhà mái thái có khả năng chống nóng hiệu quả vào mùa hè. Độ dốc đặc trưng giúp lưu thông không khí dễ dàng và không bị đọng nước vào mùa mưa. Ngoài ra, một số người cho rằng mái thái có thể tránh tích tụ hung khí, đem lại vận tốt cho gia chủ.
Nhược điểm: thi công lắp đặt khó khăn hơn do yêu cầu kỹ thuật cao và mất nhiều thời gian hoàn thiện. Nó yêu cầu sự tính toán tỉ mỉ, cẩn thận về vật liệu, độ dốc… Ví dụ độc dốc quá nhỏ sẽ thoát nước kém, độ dốc quá lớn sẽ khó lắp đặt. Chi phí cao cũng là nhược điểm của nhà mái thái (sẽ được đề cập ở phần sau).
2. Ưu nhược điểm nhà mái bằng
Ưu điểm: bền bỉ, khả năng chịu lực cực kỳ tốt và ít bị ảnh hưởng bởi gió bão. Thiết kế nhà mái bằng cũng gọn gàng, tối giản, dễ thi công hơn mái thái. Có thể lắp đặt hệ thống nước nóng và bồn lạnh… Ngoài ra nhà mái bằng tối ưu về không gian sinh hoạt cho gia chủ, dễ dàng thi công nâng cấp khi phát sinh nhu cầu.
Nhược điểm: dễ hấp thụ nhiệt hơn mái thái nên đòi hỏi công tác chống thấm chống nứt phức tạp. Khó thoát nước, dễ xảy ra hiện tượng thấm dột nếu không thi công kỹ. Nhà mái bằng cũng sẽ dễ lưu lại rác thải, cát đất… Về thiết kế nhà mái bằng kén phong cách hơn so với nhà mái thái.
VỀ CHI PHÍ
1. Chi phí xây nhà mái thái
Trên cùng một quy mô và chất lượng vật liệu tương tự thì chi phí thi công nhà mái thái sẽ nhỉnh hơn nhà mái bằng. Nguyên nhân là do việc thi công phức tạp đòi hỏi chi phí về nhân công. Mái thái sử dụng một số nguyên vật liệu đặc biệt như ngói và khung xà gỗ.
2. Chi phí xây nhà mái bằng
Chi phí xây dựng nhà mái bằng thường thấp hơn so với mái thái vì kết cấu đơn giản, ít tốn nguyên vật liệu và thời gian thi công nhanh (giảm chi phí nhân công). Tuy nhiên, nếu cần thêm các lớp cách nhiệt, chi phí có thể tăng lên.
VỀ TÍNH ỨNG DỤNG
1. Ứng dụng nhà mái thái
Vì có tính thẩm mỹ cao nên nhà mái thái hiện nay được sử dụng nhiều ở nhà ở cấp 4, nhà 2 tầng, nhà 3 tầng, nhà 4 tầng. Đặc biệt được ưa chuộng trong xây dựng biệt thự phố, biệt thự sân vườn, biệt thự nghỉ dưỡng nhờ những khoảng đua mái bề thế sang trọng. Nó lý tưởng cho các khu vực ngoại ô, nông thôn có khí hậu nóng ẩm, ít gió bão.
Phù hợp với: gia chủ yêu thích vẻ đẹp cổ điển, truyền thống, nổi bật với thiết kế kế thanh thoát sang trọng.
2. Ứng dụng nhà mái bằng
Nhà mái bằng có độ tương thích với nhiều công trình từ nhà mặt phố mặt tiền nhỏ, nhà phố diện tích lớn, nhà trong ngõ nhỏ hay vùng ngoại ô rộng. Với những công trình nhà ở cao tầng, nhà mái bằng là lựa chọn hiệu quả và an toàn hơn. Đặc biệt phù hợp với vùng gió bão như miền trung nhờ phần mái chắc chắn. Nhà mái bằng vẫn được ưa chuộng trong những công trình biệt thự nếu thiết kế đủ độ sang trọng, nguy nga.
Phù hợp với: Gia đình thích sự hiện đại hoặc muốn tận dụng không gian mái để tăng thêm khu vực sinh hoạt.
KẾT LUẬN: NÊN CHỌN NHÀ MÁI BẰNG HAY MÁI THÁI?
Để trả lời câu hỏi “Nên chọn nhà mái thái hay nhà mái bằng?”, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sở thích cá nhân, vị trí sinh sống, điều kiện khí hậu, diện tích nhà ở, ngân sách xây dựng, phong cách hướng đến… Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
- Nếu bạn sinh sống ở thành phố nhộn nhịp, ưu tiên tính thực dụng, giảm chi phí thì nhà mái bằng là lựa chọn lý tưởng
- Nếu bạn thích một ngôi nhà thoáng mát, không bận tâm nhiều về chi phí, mái thái là gợi ý hoàn hảo
- Nếu yêu thích vẻ đẹp truyền thống, cân nhắc mái thái. Và ngược lại thích sự hiện đại, hướng đến nhà mái bằng
- Nếu công trình không có diện tích lớn, nhà mái bằng sẽ tối ưu hơn. Công trình rộng như biệt thự 1 tầng, chọn mái thái
- Tuy nhiên, nếu bạn xác định xây nhà cấp 4, không lên tầng thì ứng dụng mái thái có thể mang lại vẻ đẹp nổi bật.
LỜI KẾT
Dù bạn chọn kiểu mái thái hay nhà mái bằng cho tổ ấm tương lai thì điều quan trọng vẫn là chất lượng công trình. Bao gồm cả chất lượng thiết kế, chất lượng vật liệu, chất lượng xây dựng, tối ưu chi phí. Để làm được điều này, hãy hợp tác với một đơn vị thiết kế và xây dựng uy tín. Nhà ở không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà còn phản ánh phong cách sống, mỗi chi tiết đều phải được thực hiện kỹ lưỡng. Liên hệ với Len để xem nhiều mẫu nhà mái thái, nhà mái bằng phù hợp với bạn nhé!